Giảm phí, lệ phí hàng hải tác động không nhiều đến giá thành vận tải biển
Mức thu lệ phí vào, rời cảng biển không thay đổi 18 năm
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa yêu cầu các cục chuyên ngành hàng hải, đường thuỷ, đường sắt nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong từng lĩnh vực phụ trách, theo công văn của Bộ Tài chính về việc nghiên cứu đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT.
Cục Hàng hải VN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT đánh giá tác động của việc giảm mức phí, lệ phí. Văn bản do quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt ký nêu rõ: Doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam chủ yếu đảm nhận thị phần vận tải biển nội địa trong nước và áp dụng theo biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải nội địa.
Cụ thể, theo ông Việt, hiện nay, vận tải biển quốc tế từ cảng biển Việt Nam đến cảng biển nước ngoài và ngược lại chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài chiếm đa số thị phần.
Do đó, với quy định thu phí, lệ phí hàng hải tại các cảng biển hiện nay, biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải quốc tế sẽ ít có tác động đến doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam.
Cơ quan này cũng nhất trí với quan điểm “Pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản thu phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng” của Bộ Tài chính.
Cụ thể, đối với mức thu phí, lệ phí hàng hải nội địa, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết mức thu được quy định tại Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và không thay đổi từ đó đến nay.
Riêng mức thu lệ phí vào, rời cảng biển đã không thay đổi 18 năm nay (từ năm 2004 đến năm 2022), không tăng trong khi các chi phí đầu vào hình thành mức thu như chi phí nhân công, điện, nước, xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng… tại thời điểm hiện nay so với năm 2004 đã tăng lên rất nhiều lần.
Thực tế, theo ông Việt, thời gian qua, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, Cục HHVN đã tham mưu Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021, cho phép miễn hoặc gia hạn thời gian giảm một số khoản phí hàng hải cho tàu thuyền trong các trường hợp cụ thể và đã được doanh nghiệp hàng hải Việt Nam ủng hộ, đánh giá cao.
Miễn thu hay giảm phí, lệ phí cũng ít tác động đến giá thành vận tải biển
Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, mức thu phí, lệ phí hàng hải tại cảng biển Việt Nam hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7-9% tổng chi phí vận tải của một con tàu hoạt động hàng hải quốc tế (với hoạt động hàng hải nội địa, tỷ lệ này chiếm khoảng 3-5%).
Trong cơ cấu giá thành vận tải biển, chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công, chi phí bảo hiểm (tàu, thuyền viên, hàng hoá…) sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất.
“Do vậy, việc xem xét giảm phí, lệ phí hàng hải nói chung và lệ phí vào, rời cảng biển nói riêng sẽ có rất ít tác động đến chi phí, giá thành vận tải biển và không phải là giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo bù đắp được việc tăng giá nhiên liệu”, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho hay.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, toàn bộ lệ phí vào, rời cảng biển sẽ nộp vào ngân sách nhà nước 100% số thu hàng năm. Theo số liệu của các Cảng vụ hàng hải trong năm 2021, số thu lệ phí vào, rời cảng biển của tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa hoạt động vận tải nội địa tại các cảng biển của Việt Nam là 16,9 tỷ đồng, tương ứng 129.584 lượt tàu biển và 331.342 lượt phương tiện thuỷ nội địa. Bình quân, tiền thu lệ phí là 36.876 đồng/lượt tàu thuyền.
Do vậy, ngay cả khi nhà nước miễn thu, mỗi lượt tàu thuyền sẽ tiết kiệm được 36.876 đồng/26.390 đồng, tương đương với 1,4 lít dầu DO. Đây là con số không đáng kể so với hành trình của cả chuyến tàu.
“Quyết định miễn hoặc giảm mức thu lệ phí để giảm gánh nặng cho một loại chi phí khác không liên quan đến khoản lệ phí này có thể sẽ chưa phù hợp với bản chất, khái niệm của khoản lệ phí phải nộp là gắn với khối lượng, chất lượng dịch vụ công mà đối tượng thụ hưởng, được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp đã được quy định trong Luật Phí và lệ phí”, Quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh.